Một ông già gầy yếu dọn đến ở chung với con trai, con dâu và đứa cháu nội lên 4 tuổi. Ông già hai tay run rẩy, mắt đã mờ, chân bước không vững. Cả gia đình ngồi ăn chung nơi bàn ăn. Nhưng người ông lớn tuổi với hai tay lụng cụng và đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống rất khó khăn. Những hạt đậu rớt từ muỗng xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tóe ra khăn bàn.
Người con trai và con dâu rất bực mình vì phải lau chùi dọn dẹp cho ông. Người con trai nói: “Chúng mình phải làm một cái gì để giải quyết vấn đề này. Anh chán ngấy cái vụ bố đánh đổ sữa, ăn uống nhồm nhoàm, và đánh đổ thức ăn trên sàn nhà”.
Sau đó haI vợ chồng bàn nhau đặt một cái bàn trong góc phòng. Ở đó, người ông phải ngồi ăn một mình trong khi cả gia đình ăn uống vui vẻ. Vì ông cụ đã đánh vỡ mấy cái đĩa, thức ăn của ông được bỏ vào một cái bát gỗ.
Khi cả gia đình liếc nhìn về phía ông cụ, đôi khi thấy ông chảy nước mắt buồn rầu khi ngồi một mình. Vậy mà, mỗi khi ông đánh rơi muỗng nĩa hay đánh đổ thức ăn, hai vợ chồng vẫn la rầy ông.
Một tối kia, ngay trước bữa ăn, người cha thấy đứa con nghịch với mấy khúc gỗ vụn trên sàn. Anh ta dịu dàng hỏi: “Con đang làm gì vậy?” Đứa bé trả lời: “Ồ con đang làm một cái bát nhỏ cho ba và mẹ ăn khi con lớn lên.” Những lời nói của đứa trẻ làm cho cặp vợ chồng sững sờ không nói nên lời. Rồi những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt họ. Dù không nói ra lời, cả hai đều hiểu phải làm cái gì.
Tối hôm ấy, người con trai, cầm tay bố và dịu dàng dắt ông cụ trở về bàn ăn của gia đình. Và trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông cụ được ngồi ăn chung với gia đình. Và từ đó cả chồng lẫn vợ dường như không còn chú ý đến những lúc muỗng nĩa rơi, sữa bị đổ tràn hay khăn bàn bị dính bẩn.